Nhịp sống hối hả ngày nay đã khiến nhiều người hình thành thói quen ăn uống không lành mạnh, thiếu tập thể dục và stress kéo dài. Những yếu tố này góp phần vào sự gia tăng đáng báo động của bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2 trên toàn thế giới. Vậy béo phì gây bệnh tiểu đường hay không, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Béo phì và bệnh tiểu đường tuýp 2
Béo phì được định nghĩa là sự tích tụ quá nhiều chất béo ở các bộ phận khác nhau của cơ thể hoặc các cơ quan. Thừa cân, béo phì thường xảy ra do mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào từ chế độ ăn uống và năng lượng tiêu hao thông qua các hoạt động thể chất và chức năng cơ thể. Người lớn có chỉ số khối cơ thể (BMI) (kg/m2) từ 25–29 được coi là thừa cân nhưng không béo phì, trong khi chỉ số BMI từ 30 trở lên được phân loại là béo phì.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là do tình trạng kháng insulin ở nhiều cơ quan, kết hợp với sự suy giảm chức năng tiết insulin của tế bào β. Sự gia tăng tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới có thể là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 gần đây vì béo phì ảnh hưởng đến cả hoạt động của insulin và chức năng tế bào β.
2. Béo phì gây bệnh tiểu đường hay không?
Trên thực tế, béo phì được cho là nguyên nhân gây ra 80-85% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, trong khi nghiên cứu gần đây cho thấy những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn tới 80 lần so với những người có chỉ số BMI dưới 22.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tích tụ mỡ bụng có liên quan đến hội chứng chuyển hóa. Cơ thể dư thừa mỡ quanh eo, giảm HDL-C (Cholesterol Lipoprotein mật độ cao) và tăng chất béo trung tính là những yếu tố dẫn đến lượng đường trong máu cao và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Béo phì được cho là gây ra những thay đổi trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Béo phì nhất là béo phì vùng bụng có liên quan với tăng acid béo trong máu. Mô mỡ cũng tiết ra một số hormon làm giảm tác dụng của insulin ở các cơ quan đích như gan, tế bào mỡ, tế bào cơ (đề kháng insulin tại các cơ quan đích).
Trong giai đoạn đầu của người bị thừa cân, béo phì, mặc dù tế bào β đảo tụy bù trừ và tăng tiết insulin trong máu nhưng vì chất kháng insulin vẫn luôn được sinh ra nên làm giảm chức năng của insulin theo thời gian. Tuyến tụy phải hoạt động nhiều để sản xuất insulin, nếu tình trạng đề kháng insulin kéo dài hoặc nặng dần, sẽ dẫn đến suy tuyến tụy và giảm sản xuất insulin dần dần, không đủ để phục vụ cho quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể, dẫn đến bệnh lý tiểu đường.
Cuối cùng, bệnh tiểu đường tuýp 2 dần xuất hiện và có thể mất đến nhiều năm các triệu chứng mới được biểu hiện.
3. Cách ngăn ngừa béo phì
Theo tờ thông tin của WHO, ít nhất 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 35 kg/m 2 ) tính đến năm 2016. Nếu xu hướng này tiếp tục, 60% dân số thế giới sẽ béo phì hoặc thừa cân vào năm 2030. Theo WHO, béo phì chiếm 44% bệnh tiểu đường và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường liên quan đến béo phì dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 300 triệu người vào năm 2025.
Nếu không có sự can thiệp của chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục phù hợp, béo phì có thể gây bệnh tiểu đường tuýp 2 trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Vì vậy, việc duy trì lượng đường trong máu, chất béo trung tính, huyết áp và chu vi vòng eo ở mức bình thường là rất quan trọng.
Người bị béo phì nên giảm cân để giúp giảm các tế bào mỡ, giảm tình trạng kháng insulin, chuyển hóa đường tốt hơn. Thực tế, nếu giảm được từ 5% – 10% trọng lượng cơ thể ban đầu sẽ kiểm soát được sự tăng đường huyết tốt hơn. Tuy nhiên, không nên nôn nóng giảm cân quá nhanh mà chỉ nên giảm tối đa 0,5 – 1 kg/tuần. Giảm cân quá nhanh thì ngoài giảm mỡ, người bệnh dễ mất nước và giảm khối lượng cơ, đồng thời nhanh mệt mỏi, không đủ sức làm việc, hạ đường huyết hay thậm chí ngất xỉu.
Người béo phì nên tranh thủ vận động thường xuyên như lựa chọn đi bộ, đi cầu thang bộ nếu quãng đường ngắn.
Bên cạnh đó, cũng cần thiết lập một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, phù hợp với từng người, chú ý uống đủ nước, bổ sung thêm vitamin và muối khoáng.
Có thể kết luận rằng béo phì và tiểu đường có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau, nhất là đối với tiểu đường tuýp 2. Do đó, việc duy trì cân nặng ở mức hợp lý là cách bảo vệ sức khỏe tốt hơn và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
>>> Tham khảo thêm: Những dấu hiệu để phát hiện bệnh tiểu đường sớm