Cây Dây thìa canh (Gymnema sylvestre (Retz) R.Br.ex Schult.) là một loài thuộc chi Gymnema, họ Thiên lý (Asclepiadaceae), bộ Long đởm (Gentianales), phân lớp Bạc hà (Lamiidae), lớp Ngọc lan (Magnoliopsida), ngành Ngọc lan (Magnoliophyta)1 .
Dây thìa canh đã được sử dụng trong nền y học cổ truyền Ayurveda của Ấn Độ từ hơn 2000 năm nay để chữa bệnh ”nước tiểu ngọt như mật”. Dây thìa canh trong tiếng Hindi gọi là Gurmar, có nghĩa là ”kẻ hủy diệt đường”, được trồng nhiều nhất ở thung lũng Patalcot. Sau đó, loài cây này được ghi vào dược điển Ấn Độ là loại cây có khả năng chữa bệnh ”nước tiểu ngọt như mật” mà ngày nay khoa học gọi là bệnh đái tháo đường.
1. Đặc điểm thực vật của cây Dây thìa canh
Dây leo cao 6-10m, nhựa mủ màu vàng, thân có lông dài 8-12 cm, to 3 mm, có lỗ bì thưa. Lá có phiến bầu dục xoan ngược thon dài 6-7 cm, rộng 2,5-5 cm, đầu nhọn, có mũi, gân bên 4-6 đôi, rõ ở mặt dưới, nhăn lúc khô; cuống dài 5-8 mm. Hoa nhỏ, màu vàng, xếp thành xim dạng tán ở nách lá, cao 8 mm, rộng 12-15 mm; đài có lông mịn và rìa lông; tràng không lông ở mặt ngoài, tràng phụ là 5 răng. Quả đại dài 5,5 cm, rộng ở nửa dưới. Hạt dẹp, lông mào dài 3 cm. Mùa hoa quả tháng 7-8. Dây thìa canh phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Indonesia. Ở Việt Nam cây phân bố ở Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Hình 1: Đặc điểm hình thái cây Dây thìa canh
2. Thành phần hóa học của cây Dây thìa canh
Nhóm chất chính là saponin triterpenoid thuộc 2 nhóm oleane và dammarane. Saponin khung oleane là các acid gymnemic và gymnemasaponins. Saponin khung dammarane là các gymnemaside. Ngoài ra, trong lá còn chứa resine, albumin, chlorophyl, carbohydrate, anthraquinon, alkaloid inositole, acid hữu cơ, calci oxalate, lignin, cellulose, v.v…
Thành phần tác dụng chính là acid gymnemic – là tên chung của nhiều acid hữu cơ thuộc nhóm saponin triterpenoid. Các acid gymnemic khi thủy phân đều cho gymnemagenin.
Thành phần Gurmarin (Hình 2) là một polypeptide có khả năng làm mất cảm giác ngọt mà không ảnh hưởng tới các vị giác khác, được phân lập từ lá dây thìa canh.
Hình 2: Cấu trúc của Gurmarin
Tại Việt Nam, Trần Văn Ơn và cộng sự đã khảo sát và xây dựng quy trình tối ưu chiết phân đoạn saponin triterpenoid GS4 từ dây thìa canh. Các điều kiện chiết xuất tối ưu được xác định là: kích thước bột dược liệu (bột nửa mịn), phương pháp chiết (chiết ngấm kiệt), dung môi chiết xuất (cồn 40%), pH trong phản ứng acid hóa (pH 1-3), pH trong phản ứng kiềm hóa (pH 11).
3. Tác dụng sinh học của cây Dây thìa canh
Tác dụng hạ đường huyết
Dây thìa canh đã được sử dụng trong nền Y học cổ truyền Ayurveda Ấn Độ từ hơn 2.000 năm nay để chữa đái tháo đường. Dựa trên kinh nghiệm này, các nghiên cứu được thực hiện từ thăm dò dược lý, xác định cơ chế tác dụng của dịch chiết toàn phần, phân đoạn tác dụng GS4 hoặc từ đơn chất có tác dụng chính là acid gymnemic.
Một số kết quả nghiên cứu về tác dụng hạ đường huyết của dây thìa canh đã được thực hiện:
– Chế độ ăn có chứa bột lá dây thìa canh với liều 500 mg/chuột/ngày trong 10 ngày có tác dụng bảo vệ đáng kể đối với chuột gây đái tháo đường thực nghiệm bằng beryllium nitrat và đưa mức đường huyết trở về mức bình thường sau 4 ngày so với 10 ngày ở lô chuột không được dùng dây thìa canh. Tuy nhiên, ở lô chuột bình thường được cho ăn bột lá trong 25 ngày thì mức hạ đường huyết không có ý nghĩa thống kê.
– Dịch chiết nước GS3 và GS4 của lá dây thìa canh với liều 20 mg/ngày trong 20-60 ngày làm cân bằng mức đường huyết ở chuột cống được gây đái tháo đường thực nghiệm bằng STZ do phục hồi tế bào β đảo tụy. Dịch chiết làm tăng gấp đôi số lượng đảo tụy và tế bào β.
– Thí nghiệm với GS4 điều trị lặp lại trong 32-35 ngày với liều 1 g/kg/ngày ở chuột cống bình thường và chuột được gây đái tháo đường nhẹ bằng STZ liều 30 mg/kg cho thấy sự giảm đường huyết có ý nghĩa thống kê trong thử nghiệm dung nạp glucose bằng đường uống (OGTT) và không có bất cứ một biến đổi có ý nghĩa nào tới kháng thể kháng hormon INS.
– Thử nghiệm lâm sàng trên 27 bệnh nhân đái tháo đường typ I được cho uống cao GS4 400 mg/ngày cùng với điều trị bằng hormon INS cho thấy nồng độ đường huyết, HbA1C (Glycosylated hemoglobin A1C), protein glycosylate huyết tương hạ thấp nhanh chóng và giảm lượng hormon INS cần dùng. Lipid máu giảm về mức gần bình thường.
– Trong một thử nghiệm khác, 22 bệnh nhân đái tháo đường typ II được cho uống cao GS4 400 mg/ngày trong 18-20 tháng kết hợp với thuốc điều trị tiểu đường. Nhóm được điều trị có sự giảm đường huyết và HbA1C đáng kể và tăng lượng hormon INS tiết ra từ tụy. Lượng thuốc uống điều trị tiểu đường cũng giảm và 5 người có thể bỏ thuốc.
Trong một thử nghiệm độc tính cấp trên chuột nhắt, LD50 của dịch chiết nước và dịch chiết cồn của dây thìa canh được xác định là 375 mg/kg, không có các biểu hiện tăng cân, bất thường thần kinh và phản ứng phản xạ. Tỷ lệ an toàn (LD50/ED50) là 11 trên chuột bình thường và 16 trên chuột tiểu đường.
Tại Việt Nam, đã có những ghi nhận về tác dụng của dây thìa canh. Lá và acid gymnemic gây ra trạng thái ăn kém ngon, ỉa chảy, suy nhược, kích thích tim và hệ thống tuần hoàn, gây bài tiết nước tiểu. Thuốc có tác dụng gián tiếp lên sự tiết hormon INS của tụy tạng, làm giảm glucose niệu, làm mất vị ngọt của đường và các vị đắng của thuốc đắng trong một vài giờ. Lá cũng có tính chất nhuận tràng. Rễ và lá có tác dụng gây nôn và long đờm. Loài này thường dùng trị đái đường. Lá cũng dùng làm thuốc dễ tiêu hóa, còn dùng tán thành bột để chống độc.
Thử nghiệm trên mô hình gây tăng đường huyết bởi STZ do Đỗ Anh Vũ thực hiện cho thấy cao lỏng lá dây thìa canh có tác dụng hạ đường huyết trên cả lô chuột bình thường (mức độ hạ cao nhất là 37,58%) và trên lô chuột gây đái tháo đường bởi STZ (mức độ hạ cao nhất là 27,81%). Tác dụng đỉnh ở 2 giờ và kéo dài đến 4 giờ.
Trần Văn Ơn và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu tác dụng hạ đường huyết và độc tính của dây thìa canh. Cao chiết dây thìa canh có tác dụng gây hạ đường huyết trên cả chuột thường và mô hình chuột gây tăng đường huyết bởi STZ. Độc tính của dây thìa canh được xác định là LD50 = 250,00 (209,21 – 298,75) g/kg với p=0,05, tương đương với liều trên người (50 kg) là 1.041 g/người. Liều độc này cách rất xa với liều sử dụng (253 lần).
Tác dụng khác
Dây thìa canh từ lâu đã được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian với các tác dụng là thuốc tiêu hóa, làm săn se, lợi tiểu. Dịch từ rễ được dùng chống nôn và chữa kiết lỵ. Dịch chiết của cây còn được cho vào sữa mẹ để chữa các triệu chứng lở loét miệng ở trẻ nhỏ. Lá cây dùng điều trị béo phì.
Các tác dụng khác của dây thìa canh đã được nghiên cứu thực nghiệm chứng minh gồm có:
– Tác động lên chuyển hóa lipid: Làm giảm có ý nghĩa các chất triglyceride trong huyết tương, cholesterol toàn phần, lipoprotein tỷ trọng rất thấp (Very low density lipoprotein – VLDL) và lipoprotein tỷ trọng thấp (Low density lipoprotein – LDL), làm tăng bài tiết các sterol trung tính và sterol acid qua phân, làm giảm tổng lượng cholesterol và mức triglycerid trong huyết tương. Tác dụng này phụ thuộc liều và tương đương với clifibrate trên mô hình thực nghiệm.
– Tác dụng giảm cân, chống béo phì: Gurmarin, một polypeptide phân lập được từ dịch chiết dây thìa canh có khả năng làm giảm cảm giác ngọt mà không ảnh hưởng đến các vị giác khác do ức chế chọn lọc cảm giác ngọt trên dây thần kinh và tế bào vị giác chuột cống và chuột nhắt. Tác dụng làm mất vị ngọt còn gặp ở người, tinh tinh và động vật linh trưởng. Preuss trong các nghiên cứu của mình đã chứng minh rằng dịch chiết chuẩn hóa dây thìa canh kết hợp với acid hydrocitric và niacin gắn chromchrom có tác dụng giảm cân kết hợp với việc duy trì mức lipid an toàn cho cơ thể.
– Tác dụng kháng khuẩn: Dịch chiết cồn của dây thìa canh cho tác dụng tốt kháng các chủng Bacillus pumilis, Bacillus subtilis, Pseudomonas aeruginosa và Staphylococcus tuy nhiên không có tác dụng trên Proteus vulgaris và Escherichia coli. Dịch chiết cồn của lá cho tác dụng trên các chủng vi khuẩn gây sâu răng.
– Tác dụng kháng viêm: Dịch chiết nước với liều 300 mg/kg làm giảm có ý nghĩa thống kê thể tích phù so với đối chứng trong mô hình gây phù chân chuột bằng dầu hạt bông. Dịch chiết lá có tác dụng chống viêm khớp trên chuột cống thực nghiệm.
– Tác dụng quét gốc oxy hóa: Dịch chiết nước dây thìa canh với mức 32µl có tác dụng quét 50% gốc diphenyl-1-picrylhydrazyl (DPPH).
– Tác dụng chống ung thư: nhiều dẫn chất saponin như ginsenoside, soyasaponin và saikosaponin thể hiện tác dụng chống ung thư. Gymnemagenol cũng thể hiện khả năng chống ung thư trên tế bào ung thư Hela trên in vitro.
4. Ứng dụng cây dây thìa canh trong điều trị đái tháo đường
Đái tháo đường đang trở thành một bệnh mang tính thời sự và cũng là trọng tâm nghiên cứu của các nhà khoa học nhằm tìm kiếm các phương pháp điều trị và kiểm soát bệnh có hiệu quả. Cho đến nay, đã có nhiều loại thuốc tổng hợp hóa dược được sử dụng trong điều trị đái tháo đường. Bên cạnh ưu điểm là tác dụng nhanh, thuận tiện khi sử dụng, các thuốc này thường có các tác dụng không mong muốn kèm theo và hơn nữa, có xu hướng phải tăng liều sau một thời gian dùng thuốc. Mặt khác, chi phí cho việc dùng các loại thuốc này cũng là một gánh nặng không nhỏ cho các bệnh nhân đái tháo đường. Do vậy, song song với các thuốc tân dược, việc sử dụng và nghiên cứu các thuốc có nguồn gốc dược liệu đang là một xu hướng phát triển mạnh trên thế giới hiện nay.
Cây Dây thìa canh (Gymnema sylvestre (Retz.) R.Br. ex Schult) là một trong số những cây có tiềm năng phát triển thành sản phẩm điều trị ĐTĐ ở Việt Nam. Cây đã được nghiên cứu chứng minh tác dụng (cả trên thực nghiệm và lâm sàng), được ứng dụng rộng rãi trên thế giới (như trà, viên nang, bột, v.v…), chưa phát hiện tác dụng phụ, độc tính thấp với khoảng an toàn rất lớn, dễ trồng, khai thác bền vững do bộ phận sử dụng là thân lá có thể thu hái nhiều lần trong một vòng đời.
Dây thìa canh là một cây thuốc quý cần được nhân giống và bảo tồn. Tại Việt Nam, dây thìa canh đã có các vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO được kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu chọn giống, trồng trọt, thu hái, bảo quản. Các loại chế phẩm dây thìa canh phổ biến hiện nay bao gồm dược liệu thô, cao dược liệu, trà túi lọc, viên nang.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn Ơn và cs (2018), “Hoàn thiện công nghệ trồng trọt, sản xuất cao chuẩn hóa và sản xuất chế phẩm từ cây dây thìa canh (Gymnema sylvestre (Retz.) hỗ trợ điều trị đái tháo đường”. Báo cáo dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ, mã số 2018-99-1161/KQNC, Bộ Y tế.
2. Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam, Tập I, Nhà xuất bản Y học.