093.666.8010

Triệu chứng bệnh tiểu đường ở giai đoạn cuối

Tiểu đường là bệnh lý mãn tính và gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn cuối của bệnh là giai đoạn toàn phát các biến chứng khi mà các cơ quan trong cơ thể đều bị ảnh hưởng bởi nồng độ đường trong máu tăng cao. 

1. Các giai đoạn của bệnh tiểu đường

Giai đoạn 1: 

Ở giai đoạn này, xảy ra tình trạng mỡ, cơ và gan trở nên kháng insulin đồng thời gặp khó khăn trong việc đưa glucose vào tế bào. Tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn và duy trì lượng đường trong máu.

Giai đoạn 2:

Giai đoạn này còn được gọi là tiền tiểu đường khi các tế bào trở nên kháng insulin. Lượng insulin bổ sung do tuyến tụy sản xuất không đủ để làm giảm lượng đường trong máu. Trong một số trường hợp, tế bào beta của tuyến tụy không hoạt động bình thường. Tuy nhiên lúc này mức đường huyết không quá cao để được phân loại là bệnh tiểu đường.

Giai đoạn 3:

Lượng đường trong máu cao bất thường dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2. Ở giai đoạn này, các tế bào beta của tuyến tụy không sản xuất insulin nữa và các tế bào trở nên kháng insulin hơn dẫn đến tổn thương lâu dài cho cơ thể.

Giai đoạn 4:

Xuất hiện các biến chứng  do lượng đường trong máu rất cao gây tổn thương hệ thống mạch máu. Các biến chứng tiềm ẩn của bệnh này là bệnh thận mãn tính, suy tim và bệnh thần kinh ngoại biên (do tổn thương các dây thần kinh nằm ngoài não và tủy sống, gây yếu, tê và đau, thường ở tay và chân), đột quỵ và bệnh động mạch vành (tổn thương mạch máu của tim).

Các giai đoạn của bệnh tiểu đường

2. Triệu chứng của bệnh tiểu đường ở giai đoạn cuối

Bệnh tiểu đường giai đoạn cuối có thể dẫn đến các biến chứng nặng. Nó bao gồm các vấn đề về bệnh tim, thận và tổn thương thần kinh. Người lớn tuổi có khả năng tiến triển bệnh tiểu đường giai đoạn cuối vì ở tuổi già, việc kiểm soát bệnh rất khó khăn.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối:

  • Triệu chứng liên quan đến tim mạch: Huyết áp cao, Suy tim

Huyết áp tăng cao: Người bệnh có triệu chứng đau đầu, mắt mờ, khó thở, tức ngực…

Suy tim: Bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối có những dấu hiệu của suy tim như khó thở, mệt mỏi ngay cả khi nghỉ ngơi, phù nề chân tay, ho khan hoặc ho khạc ra đờm hồng, đau tức ngực lan ra đầu và vai…Nguyên nhân là do lượng đường trong máu tăng cao làm cho thành mạch bị tổn thương, tích lũy cholesterol dẫn đến xơ vữa mạch máu. Khi các mạch máu bị tắc nghẽn sẽ khiến cho tim phải hoạt động nhiều hơn dẫn đến suy tim.

  • Triệu chứng liên quan đến thận: Suy thận

Tình trạng huyết áp cao kéo dài sẽ sản sinh nhiều chất oxy hóa, lâu ngày làm tổn thương mạch máu ở thận. Không những vậy, lượng đường tăng cao kết hợp với nhiễm khuẩn đường tiết niệu làm cho thận bị quá tải, phải lọc máu nhiều nên chức năng thận bị suy giảm.

Người bệnh với các triệu chứng như: Đi tiểu nhiều lần, nước tiểu có mùi hôi, tiểu đục, chán ăn, buồn nôn, viêm âm đạo và giảm ham muốn tình dục ở nữ giới, liệt dương ở nam,…

Các biến chứng của bệnh tiểu đường

  • Triệu chứng liên quan đến mắt

Lượng đường tăng cao nên các mạch máu trong mắt bị sưng lên, gây bong võng mạc, giảm thị lực, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

  • Triệu chứng hoại tử các bộ phận cơ thể

Do yếu tố tăng trưởng suy giảm và bị tắc mạch máu nên kháng sinh và bạch cầu không đến được vị trí tổn thương khiến vết thương ở bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối lâu lành. Nếu vết thương quá to, không chăm sóc điều trị cẩn thận có thể bị nhiễm trùng vết thương gây hoại tử.

Tóm lại, giai đoạn cuối của bệnh tiểu đường là giai đoạn toàn phát các biến chứng ở các cơ quan trong cơ thể. Để kiểm soát được triệu chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối, người bệnh cần đi khám định kỳ để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm và có biện pháp điều trị phù hợp.