Tiểu đường là bệnh lý mãn tính, đặc trưng bởi nồng độ đường trong máu cao hơn mức bình thường do cơ thể thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể. Nhận biết triệu chứng bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu giúp người bệnh có thể kiểm soát bệnh một cách hiệu quả, chủ động ứng phó với các biến chứng của bệnh.
Chúng ta cùng tìm hiểu 9 triệu chứng bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu
- Thường xuyên đi tiểu
Một trong những triệu chứng bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu là người bệnh đi tiểu nhiều hơn bình thường. Do lượng đường trong máu tăng cao gây đa niệu thẩm thấu đồng thời tăng áp lực thẩm thấu máu nên cản trở hấp thu nước ở ống thận dẫn đến bệnh nhân đi tiểu thường xuyên (khoảng 4-7 lần trong 24 giờ). - Uống nước nhiều
Đi tiểu nhiều sẽ khiến cơ thể bị mất nước, do đó bạn cảm thấy khát nước và phải bù nước liên tục. Ở người bình thường, trung bình một ngày cần khoảng 2 lít nước, tuy nhiên người bị bệnh tiểu đường có thể uống nhiều hơn 4 lít/ngày. - Ăn nhiều nhưng sụt cân bất thường
Đây là một trong những triệu chứng nhận biết bạn bị tiểu đường giai đoạn đầu. Do thiếu insulin nên đường ít được đưa vào tế bào làm cho G6P trong tế bào giảm. Thiếu G6P, trung tâm đói bị kích thích dẫn đến cảm giác đói thường xuyên nên bệnh nhân có biểu hiện ăn nhiều. Thiếu G6P, protid và lipid không được tổng hợp mà còn bị thoái hóa do đường không thể sử dụng để chuyển hóa năng lượng được, nên chất béo sẽ là nguồn thay thế để tạo ra năng lượng cho cơ thể. Điều này dẫn đến sụt cân bất thường. - Nhìn mờ
Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ của mắt, dẫn đến thủy tinh thể sưng lên làm giảm thị lực, hình ảnh mờ nhạt dần, nhìn không rõ. Nếu được phát hiện và điều trị bệnh sớm sẽ giúp lượng đường trong máu ổn định và tình trạng này có thể được chữa khỏi. - Mệt mỏi
Trong giai đoạn này, lượng glucose vẫn lưu thông trong cơ thể nhưng do thiếu insulin, glucose sẽ không được chuyển hóa thành năng lượng nuôi dưỡng tế bào. Mặt khác, vì mất nhiều năng lượng do đào thải glucose qua đường tiểu, dẫn đến sự mệt mỏi quá mức của cơ thể, khiến người bệnh bị suy nhược. Vì vậy, khi có biểu hiện khát nước và mệt mỏi thường xuyên, cơ thể yếu…cần đi khám để xác định nguyên nhân, rất có thể bạn đã mắc bệnh tiểu đường. - Vết thương chậm lành
Bệnh tiểu đường là bệnh do rối loạn chuyển hóa, nên khi mắc bệnh thì hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn thương, ảnh hưởng tới lòng mạch, tắc mạch máu hoại tử, vì thế dẫn đến việc các vết thương ngoài da khó lành, đôi khi hoại tử hoặc nhiễm trùng. - Ngứa ran hoặc tê bì ở bàn tay hoặc bàn chân
Lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng đáng kể đến các dây thần kinh. Tổn thương này bắt đầu bằng cảm giác đau nhức hoặc tê và có thể trở nên trầm trọng hơn thành đau hoặc bệnh thần kinh theo thời gian. - Da bị khô, ngứa và xuất hiện nhiều vết thâm nám
Khi ở giai đoạn đầu, người bị bệnh tiểu đường gặp các vấn đề về da như da bị khô, ngứa vì cơ thể sử dụng chất lỏng để đi tiểu nên độ ẩm cung cấp cho những vùng khác sẽ ít đi hoặc xuất hiện các mảng da thâm nám, sạm do nồng độ insulin trong máu tăng lên. - Nhiễm trùng nấm men
Lượng đường trong máu và lượng đường dư thừa trong nước tiểu tạo ra môi trường lý tưởng cho nấm men phát triển. Duy trì lượng đường trong máu giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng nấm men.
Nhận biết các triệu chứng của bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn bệnh tiến triển, kiểm soát tốt các biến chứng nguy hiểm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt là với những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao, việc tầm soát định kỳ và chú ý chăm sóc sức khỏe là điều rất cần thiết.