093.666.8010

Cách bảo quản bút tiêm insulin đúng

Insulin là loại thuốc được nhiều bệnh nhân tiểu đường sử dụng. Nếu bảo quản insulin không đúng cách, tác dụng hạ đường huyết của nó sẽ bị giảm, dẫn đến giảm hiệu quả điều trị. Vậy chúng ta cần chú ý điều gì khi bảo quản bút tiêm insulin? Làm thế nào để mang theo bút tiêm insulin an toàn khi ra ngoài?

1. Cấu tạo bút tiêm insulin

Bút insulin là một thiết bị dùng để tiêm insulin. Có nhiều loại bút insulin khác nhau, chứa các loại thuốc khác nhau (dung dịch hay hỗn dịch). Nhưng nhìn chung chúng đều có các thành phần cơ bản giống nhau:

Các thành phần của kim và bút tiêm insulin

– Nắp bút: bảo vệ kim tiêm và insulin bên trong bút khi không sử dụng.

– Niêm cao su: là nơi kim bút tiêm kết nối với thân chính.

– Buồng chứa insulin: có vùng nhựa trong để có thể nhìn thấy insulin bên trong buồng chứa. 

– Nhãn: cho bạn biết loại insulin trong bút và ngày hết hạn của nó.

– Vòng chọn liều: cho phép chọn đúng liều insulin.

– Cửa sổ chỉ liều: dùng để hiển thị số lượng đơn vị insulin đã chọn để tiêm.

– Nút tiêm: cần nhấn nút này để tiêm.

– Kim tiêm: phần này được bán rời và có thể thay thế. Kim tiêm gồm 4 thành phần: niêm bảo vệ, nắp kim ngoài, nắp kim trong và kim. Bạn nên sử dụng kim tiêm mới cho mỗi lần tiêm để đảm bảo vô khuẩn. 

2. Cách bảo quản bút tiêm insulin

2.1. Yêu cầu về nhiệt độ bảo quản 

Các chế phẩm insulin dễ bị phân hủy và mất tác dụng ở nhiệt độ cao. Ví dụ, chúng sẽ mất tác dụng một phần ở nhiệt độ 30°C đến 50°C, nhanh chóng mất tác dụng ở 55°C đến 60°C và trở nên hoàn toàn mất tác dụng sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong hai giờ. Vì vậy, chế phẩm insulin phải bảo quản tránh ánh nắng mặt trời.

Ngoài ra, không được để insulin trong ngăn đá của tủ lạnh vì nhiệt độ quá thấp (đóng băng) sẽ khiến insulin mất hoạt tính sinh học. Insulin bị đông lạnh thì không thể rã đông và sử dụng được.

2.2. Lưu khi bảo quản bút tiêm insulin tại nhà

– Các bút tiêm insulin chưa sử dụng phải được bảo quản trong ngăn lạnh của tủ lạnh, tốt nhất là ở cửa trong của tủ lạnh. Nếu không có tủ lạnh thì nên đặt ở nơi thoáng mát nhưng thời gian không quá dài (không quá 6 tuần). 

– Không nên bảo quản bút tiêm insulin đã mở ở nhiệt độ phòng trong hơn 1 tháng. Nó cũng có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C. Tuy nhiên, trước khi tiêm, tốt nhất nên để bút tiêm insulin về nhiệt độ phòng trước để tránh khó chịu khi tiêm và kích ứng mô dưới da.

2.3. Cách mang theo bút tiêm insulin an toàn khi ra ngoài

Tốt nhất nên bảo quản insulin chưa mở trong thiết bị bảo quản di động (tủ lạnh, túi đá, túi làm mát,..) hoặc đặt trong bình giữ nhiệt, đặc biệt đi đến những vùng có thời tiết nắng nóng (trên 30°C). Cẩn thận không để bút tiêm insulin tiếp xúc trực tiếp với túi nước đá. Tốt hơn là bọc nó bằng khăn để tránh insulin bị đông cứng. Sau khi đến nơi, nên đặt bút tiêm vào tủ lạnh ở nhiệt độ 2- 8°C càng sớm càng tốt.

2.4. Không ký gửi hành lý khi đi máy bay

Khi đi máy bay, bạn nên mang bút tiêm insulin bên mình, không được ký gửi. Nguyên nhân là để:

– Tránh va chạm mạnh làm mất cân bằng insulin, từ đó phá hủy hoạt động sinh học của insulin và dẫn đến mất tác dụng;

– Khi máy bay bay ở độ cao lớn, nhiệt độ trong khoang hành lý sẽ xuống dưới 0°C, insulin cũng mất tác dụng do nhiệt độ thấp.

Như vậy, bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về cách bảo quản bút tiêm insulin. Bạn hãy nhớ rằng insulin không ổn định, dễ bị mất tác dụng bởi nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao, ánh nắng hay rung lắc mạnh. Do đó, việc bảo quản bút tiêm insulin đúng cách rất quan trọng để người bệnh có thể đạt được hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường.