Việc theo dõi đường huyết thường xuyên rất cần thiết giúp chúng ta biết sự biến động của lượng đường trong máu của mình. Từ đó chúng ta có thể kiểm soát mức đường huyết tốt hơn, thông qua điều chỉnh thuốc, chế độ ăn và luyện tập phù hợp. Bài viết này giới thiệu cho bạn cách thử đường huyết tại nhà ai cũng làm được.
1. Tại sao nên kiểm tra đường huyết?
Xét nghiệm đường huyết có nghĩa là đo giá trị lượng đường trong máu. Thử đường huyết tại nhà có thể giúp theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên, đơn giản mà không cần đến cơ sở y tế. Bệnh nhân tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ xem mình có cần đo đường huyết tại nhà hay không, và hỏi thêm về tần suất đo được khuyến nghị.
Nhìn chung, tần suất kiểm tra được xác định bởi các yếu tố như việc điều trị bệnh tiểu đường cụ thể, tình trạng lượng đường trong máu và sức khỏe tổng thể. Ví dụ bệnh nhân tiểu đường dùng insulin có thể cần kiểm tra lượng đường trong máu của họ thường xuyên.
Xét nghiệm lượng đường trong máu có thể giúp hiểu được phản ứng của cơ thể với thức ăn, thuốc, bệnh tật, stress, tập thể dục hoặc các hoạt động khác. Ví dụ đối tượng thử nghiệm có thể đo lượng đường trong máu trước và sau bữa ăn để đánh giá bữa ăn đó ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như thế nào. Từ đó giúp bạn điều chỉnh chế độ và thói quen ăn uống.
2. Những đối tượng cần kiểm tra đường huyết
Người bình thường bị hạ đường huyết và phụ nữ mang thai có thể cần thử đường huyết tại nhà, nhưng đối tượng chính vẫn là bệnh nhân tiểu đường. Nói chung, tần suất kiểm tra tùy thuộc vào loại bệnh tiểu đường và kế hoạch điều trị cá nhân. Tốt nhất bạn nên làm theo lời khuyên của bác sĩ.
– Bệnh tiểu đường loại 1:
Các bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 1 nên kiểm tra lượng đường trong máu 4-8 lần/ngày. Người bệnh có thể cần kiểm tra đường huyết trước khi ăn, trước và sau khi tập thể dục, trước khi đi ngủ hoặc vào buổi tối. Nếu bị bệnh, thay đổi thói quen hàng ngày hoặc dùng thuốc mới thì người bệnh cũng cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên.
– Bệnh tiểu đường loại 2:
Nếu người bệnh đang dùng insulin để kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm đường huyết ít nhất 2 lần/ngày. Xét nghiệm thường được thực hiện trước bữa ăn và đôi khi trước khi đi ngủ.
3. Cách thử đường huyết tại nhà ai cũng làm được
Cách thử đường huyết tại nhà đơn giản nhất là sử dụng máy đo đường huyết. Máy đo đường huyết đo lượng đường trong một mẫu máu nhỏ. Trong hầu hết các trường hợp, máu được lấy từ đầu ngón tay. Sau đó, máu được đặt trên que thử dùng một lần. Bạn tiếp tục thực hiện theo các hướng dẫn đi kèm với máy đo đường huyết. Nói chung, quá trình hoạt động như sau:
- Rửa và lau khô tay. Thức ăn và các chất khác trên tay bạn có thể khiến kết quả đo không chính xác.
- Cho que thử vào máy đo đường huyết.
- Chích vào đầu ngón tay của bạn bằng kim (lancet) đi kèm với bộ xét nghiệm.
- Chấm giọt máu vào giấy thử.
- Đợi vài giây, trên màn hình máy sẽ hiển thị chỉ số đường huyết của bạn.
Một số dụng cụ có thể kiểm tra máu được lấy từ các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như cẳng tay hoặc lòng bàn tay. Nhưng những kết quả này có thể không chính xác như kết quả đọc trên đầu ngón tay, đặc biệt là sau bữa ăn hoặc trong khi tập thể dục. Lượng đường trong máu thay đổi thường xuyên hơn vào thời điểm này.
4. Khoảng giá trị đường huyết được khuyến nghị
Phạm vi giá trị lượng đường trong máu bình thường sẽ khác nhau tùy từng người và tùy thời điểm đo khác nhau.
Lượng đường trong máu của người khỏe mạnh:
- Trước bữa ăn (đường huyết lúc đói): 70-100mg/dL.
- 2 giờ sau bữa ăn: < 140 mg/dL.
- Huyết sắc tố glycated: < 5,7%.
Với bệnh nhân tiểu đường:
- Trước bữa ăn (đường huyết lúc đói): 80-130mg/dL.
- 2 giờ sau bữa ăn: < 160mg/dL.
- Huyết sắc tố glycated: < 7%.
Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ:
- Trước bữa sáng (đường huyết lúc đói): < 95mg/dL.
- 1 giờ sau khi ăn: < 140 mg/dL.
- 2 giờ sau khi ăn: < 120 mg/dL.
- Huyết sắc tố glycated: dưới 7%.
Hy vọng bài viết cung cấp cho bạn đọc thông tin hữu ích về cách thử đường huyết tại nhà, cũng như khuyến nghị giá trị đường huyết cụ thể cho các đối tượng. Đặc biệt với người bệnh tiểu đường, kiểm tra lượng đường trong máu là chìa khóa để giữ gìn sức khỏe, kiểm soát tình trạng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng.
>>> Xem thêm: Tiểu đường có nguy hiểm không?