Tụt đường huyết (hypoglycemia) có thể gây ra những triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhịp tim nhanh và thậm chí mất ý thức nếu không được xử lý kịp thời. Nguyên nhân tụt đường huyết nhiều người vẫn thường nghĩ đến là do bỏ bữa. Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân khác nữa mà bạn có thể chẳng ngờ tới.
1. Tụt đường huyết là gì?
Tụt đường huyết, hay hạ đường huyết, được định nghĩa là khi mức đường huyết trong máu giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định. Theo tiêu chuẩn y tế, tình trạng này xảy ra khi chỉ số đường huyết (glucose máu) thấp hơn 70 mg/dL (3,9 mmol/L).
Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của hạ đường huyết có thể khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân. Một số người có thể bắt đầu cảm thấy biểu hiện hạ đường huyết khi mức đường huyết chỉ giảm xuống dưới ngưỡng bình thường của họ mà không cần phải đến mức 70 mg/dL. Ngược lại, có người chỉ khi đường huyết giảm xuống mức rất thấp (dưới 55 mg/dL hoặc 3,0 mmol/L) mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như lẫn lộn, co giật hoặc mất ý thức.
2. Tụt đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường có lượng đường trong máu ở mức cao nhưng lại là đối tượng dễ tụt đường huyết. Đó là do chức năng điều hòa lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường không tốt. Khi có vấn đề về chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc, lượng đường trong máu có thể dao động rất nhiều. Các nguyên nhân tụt đường huyết ở người tiểu đường bao gồm:
– Thuốc: bao gồm thời gian dùng thuốc không đều, liều lượng thuốc tự điều chỉnh, dùng thuốc quá liều,…
– Chế độ ăn: Ăn uống không đều độ, thậm chí không ăn trong khi vẫn dùng thuốc điều trị tiểu đường.
– Hoạt động: Tập thể dục quá mức, tập thể dục khi đói hoặc nhịn ăn quá lâu.
– Hội chứng sau ăn: Đây là một tình trạng hiếm gặp trước đây được gọi là hạ đường huyết phản ứng. Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xảy ra ở giai đoạn đầu, do tuyến tụy của người bệnh vẫn còn chức năng tiết insulin nhưng phản ứng với lượng đường trong máu chậm. Khi lượng đường trong máu tăng cao ở giai đoạn sau (sau khi ăn no một thời gian) và chuẩn bị giảm, tuyến tụy sẽ phản ứng và tiết ra một lượng lớn insulin khiến lượng đường trong máu giảm nhanh và sau đó xuất hiện các triệu chứng hạ đường huyết.
3. Nguyên nhân tụt đường huyết không do tiểu đường
Các nguyên nhân tụt đường huyết bao gồm:
– Nghiện rượu: Nghiện rượu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của gan, hoạt động này có liên quan mật thiết đến quá trình bài tiết glucose. Một khi chức năng gan ngừng hoạt động hoặc bị tổn thương, lượng đường trong máu cũng sẽ trở nên bất thường.
– Thuốc: Thuốc trị sốt rét, thuốc kháng sinh hoặc thuốc trị viêm phổi có thể gây ra tình trạng lượng đường trong máu thấp.
– Chán ăn: Chán ăn là một bệnh về thể chất và tinh thần, người bệnh sẽ dùng những phương pháp cực đoan như bỏ ăn, gây nôn để khiến bản thân trở nên gầy. Do ăn uống không đủ nên dễ bị hạ đường huyết.
– Suy tuyến thượng thận (Addison): Đây là một bệnh lý mà tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone cortisol, dẫn đến việc không thể duy trì mức đường huyết bình thường.
– Insulinoma: Insulinoma là một khối u rất hiếm phát triển trong tuyến tụy và có thể gây tiết insulin quá mức và gây hạ đường huyết.
– Stress và tâm lý: Không chỉ các yếu tố vật lý, mà stress và các vấn đề tâm lý cũng có thể gây ra tình trạng tụt đường huyết. Khi bạn căng thẳng hoặc lo lắng, cơ thể sẽ tiết ra các hormone stress như cortisol và adrenaline, làm thay đổi cách cơ thể quản lý đường huyết. Đối với một số người, điều này có thể dẫn đến giảm mức đường trong máu.
Trên đây là những nguyên nhân tụt đường huyết có thể bạn không ngờ tới. Tụt đường huyết là một vấn đề sức khỏe cần được chú ý, không chỉ ở những người mắc bệnh tiểu đường mà còn ở những người có lối sống, thói quen hoặc tình trạng sức khỏe đặc biệt. Nếu bạn thường xuyên gặp phải các triệu chứng của tụt đường huyết, hãy đến thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
>>> Xem thêm: Cảnh giác với tác hại của hạ đường huyết