Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là nhóm bệnh lý nội khoa rất phổ biến. Căn bệnh này được chia thành 2 loại chính: tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Mặc dù đều là tiểu đường và là bệnh lý chuyển hóa mãn tính nhưng hai loại này vẫn có nhiều điểm cần phân biệt để điều trị đúng cách.
1. Phân biệt tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2
Tiểu đường tuýp 1 | Tiểu đường tuýp 2 | |
Nguyên nhân | Bệnh đái tháo đường tuýp 1 là bệnh tự miễn, xuất hiện khi các tế bào thuộc hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công và phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy, cản trở quá trình sản xuất ra insulin. Do đó glucose trong máu không thể chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho cơ thể. | Ở đái tháo đường tuýp 2, tuyến tụy vẫn có khả năng tiết insulin nhưng nồng độ tiết ra không đủ hoặc các tế bào không đáp ứng được với insulin (hiện tượng kháng insulin) nên lượng đường cũng không được chuyển hóa hết mà vẫn tồn dư trong máu. |
Tỷ lệ | 5 – 10% | 90 – 95% |
Độ tuổi khởi phát | Tiểu đường tuýp 1 xuất hiện ở cả độ tuổi trẻ, thanh thiếu niên (thường là dưới 30 tuổi). | Tiểu đường tuýp 2 chủ yếu khởi phát ở người trưởng thành, trên 40 tuổi. |
Thể trạng người bệnh | Gầy | Bình thường/béo phì |
Triệu chứng lâm sàng | Các triệu chứng khởi phát đột ngột, rầm rộ bao gồm uống nhiều, tiểu nhiều, đói nhiều, ăn nhiều nhưng sụt cân không rõ lý do. | Khởi phát và tiến triển âm thầm, thường ít có triệu chứng rõ rệt như bệnh đái tháo đường tuýp1. |
Yếu tố nguy cơ | – Do phơi nhiễm với một số loại virus khiến các tế bào tuyến tụy bị tấn công và phá hủy. | – Tiền sử gia đình có người mắc đái tháo đường.
– Thừa cân, béo phì. – Trên 40 tuổi. – Hạn chế hoạt động thể lực. – Từng mắc các bệnh lý như: huyết áp cao, rối loạn lipid máu, suy giáp, buồng trứng đa nang. |
Biến chứng cấp tính | Có xuất hiện ceton tăng nhiều trong máu, nước tiểu. Trường hợp nặng có thể bị hôn mê do nhiễm toan ceton. | Ít gặp tình trạng nhiễm toan ceton, thường hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu. |
Phòng ngừa bệnh | Chưa tìm ra biện pháp phòng ngừa. | Có thể ngăn ngừa bằng cách thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh, kết hợp giữa chế độ ăn uống và chế độ tập luyện. |
2. Phương pháp điều trị với mỗi loại tiểu đường
2.1. Điều trị đái tháo đường tuýp 1
- Tư vấn và hướng dẫn cho bệnh nhân chế độ ăn phù hợp: Cần ưu tiên các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp, đảm bảo không làm đường huyết tăng cao sau khi nạp vào cơ thể.
- Tăng cường tập thể dục đều đặn, tránh ngồi một chỗ quá nhiều: bạn có thể tập 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
- Kiểm soát tốt đường huyết bằng insulin theo chỉ dẫn của bác sĩ khi chế độ ăn và luyện tập thất bại.
- Kiểm soát các bệnh kèm theo như huyết áp, mỡ máu…
- Khám định kỳ và kịp thời phát hiện, điều trị các biến chứng nếu có.
2.2. Điều trị đái tháo đường tuýp 2
Để điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 cũng cần thực hiện theo các nguyên tắc về chế độ ăn uống, chế độ tập luyện tương tự như đái tháo đường tuýp 1. Tuy nhiên, nếu đái tháo đường tuýp 2 chưa tiến triển nặng thì có thể sử dụng các loại thuốc uống giúp kiểm soát được đường huyết, bao gồm:
- Nhóm thuốc kích thích tuyến tụy bài tiết insulin (Sulphonylurea).
- Nhóm thuốc giảm sản xuất glucose tại gan khi có insulin, giảm hấp thu glucose ở ruột, tăng sử dụng glucose tại cơ và mô mỡ (Metformin).
- Nhóm thuốc ức chế enzyme alpha glucosidase: cạnh trạnh và ức chế tác dụng của enzym thủy phân đường phức thành đường đơn (Acarbose, Miglitol).
- Nhóm thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển Natri – glucose SGLT2 (Canagliflozin, Dapagliflozin, Empagliflozin, Ertugliflozin).
- Nhóm thuốc đồng vận GLP-1 (Liraglutide, Dulaglutide, Exenatide, Lixisenatide).
Hy vọng bài viết này giúp các bạn nắm được những điểm khác biệt giữa đái tháo đường tuýp 1, tuýp 2 từ đó có biện pháp phòng ngừa và phương pháp điều trị phù hợp.