093.666.8010

Bệnh đái tháo đường typ 1 tiến triển từ từ nhưng các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột, thường tiến triển nhanh trong vài ngày đến vài tuần do lượng đường trong máu tăng cao.

TRIỆU CHỨNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYP 1

Bệnh đái tháo đường typ 1 tiến triển từ từ nhưng các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột, thường tiến triển nhanh trong vài ngày đến vài tuần do lượng đường trong máu tăng cao. Thoạt đầu, các triệu chứng có thể bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với một số bệnh khác như cúm.

Các triệu chứng khi lượng đường trong máu tăng cao bao gồm:

– Đi tiểu nhiều: có thể thấy rõ hơn vào ban đêm. Đó là phản ứng khi thận cố gắng đào thải lượng đường dư thừa trong máu.

– Khát nước: điều này xảy ra khi bạn đi tiểu nhiều nhưng không nạp vào đủ lượng nước đã mất.

– Giảm cân nhiều: giảm cân xảy ra một phần do bị mất nước, một phần do bị mất năng lượng từ glucose theo đường nước tiểu.

– Tăng cảm giác đói: bạn cảm thấy đói vì cơ thể không sử dụng được lượng đường ăn vào để chuyển hóa thành năng lượng.

– Nhìn mờ: khi đường tích tụ trong thủy tinh thể của mắt, nó sẽ hút thêm nước vào mắt . Điều này làm thay đổi hình dạng của thủy tinh thể và làm mờ tầm nhìn.

– Cảm giác mệt mỏi: mệt mỏi cũng do nguyên nhân cơ thể bị thiếu năng lượng và cảm thấy đói. Mặc dù bạn ăn nhiều nhưng cơ thể không sử dụng được năng lượng mà bạn ăn vào.

Giảm cân nhiều là một triệu chứng của đái tháo đường tuyp 1

Các triệu chứng của nhiễm toan xeton:

– Da khô, nóng, bốc hỏa

– Mất cảm giác thèm ăn, đau bụng, nôn

– Hơi thở có mùi trái cây

– Thở nhanh, sâu

– Bồn chồn, lơ mơ, khó đánh thức, lú lẫn hoặc hôn mê. Trẻ nhỏ có thể không quan tâm đến các hoạt động thường ngày của chúng

– Hạ đường huyết

Các triệu chứng khi lượng đường trong máu thấp:

– Vã mồ hôi

– Run rẩy

– Yếu ớt

– Đói

– Lú lẫn

– Bạn có thể tử vong nếu lượng đường trong máu quá thấp.

Nếu bạn không biết chắc chắn khi nào lượng đường trong máu thấp (không rõ nguyên nhân hạ đường huyết), bạn nên kiểm tra nồng độ đường huyết trong máu thường xuyên.

Các yếu tố nguy cơ khiến lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp

Kiểm soát đường huyết chặt chẽ: Kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu giúp ngăn ngừa các biến chứng trên mắt, thận, tim, mạch máu và bệnh thần kinh. Tuy nhiên, việc này có nguy cơ khiến bạn rơi vào tình trạng hạ đường huyết thường xuyên.

Tuổi vị thành niên: Sự tăng trưởng nhanh chóng ở tuổi vị thành niên có thể làm thay đổi mức độ hormon ở thanh thiếu niên dẫn đến lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức đường huyết mục tiêu.

Rối loạn tâm thần: Trầm cảm, lo lắng, hoảng loạn, nghiện rượu hoặc ma túy làm tăng nguy cơ tăng đường huyết.

Rối loạn ăn uống: Trẻ vị thành niên thường lo ngại về trọng lượng và hình dáng cơ thể nên chúng có thể bỏ qua tiêm thuốc để giảm cân. Rối loạn ăn uống có thể phổ biến hơn ở trẻ em gái và phụ nữ ở mọi lứa tuổi bị đái tháo đường typ 1.

Tăng sinh mô mỡ: đó là chất béo và mô sẹo gây ra bởi tiêm thuốc nhiều lần ở cùng một nơi. Khu vực này có thể rắn chắc hơn vùng da xung quanh. Tiêm thuốc vào khu vực này khiến tỷ lệ hấp thu thuốc mỗi lần khác nhau, gây ra các cơn hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết không báo trước.

Liệt dạ dày nhẹ: tổn thương dây thần kinh làm thay đổi chức năng tiêu hóa thức ăn của dạ dày. Thực phẩm có thể mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa dẫn đến việc khó biết được hormon kiểm soát đường huyết sẽ hoạt động khi nào sau khi ăn. Điều này có thể dẫn đến tăng hoặc hạ đường huyết.

Các vấn đề về tuyến giáp hoặc thận: Lượng hormon tuyến giáp quá ít có thể làm chậm sự trao đổi chất, dẫn đến một số loại thuốc bị lưu trữ trong cơ thể lâu hơn dẫn đến hạ đường huyết quá mức. Tương tự, khi chức năng thận suy giảm, hormon kiểm soát đường huyết có thể ở trong cơ thể lâu hơn và gây hạ đường huyết quá mức.

Khi chức năng thận suy giảm, hormon kiểm soát đường huyết có thể ở trong máu lâu hơn dẫn đến hạ đường huyết quá mức